Đăng ký email

Tư vấn miễn phí

Online 1
Online 2

Thống kê

quangvu.net Online: 2

quangvu.net Today: 78

quangvu.net Yesterday: 1,743

quangvu.net Total: 1,155,222

Quảng cáo

Luật sư tư vấn, luật sư tranh tụng, luật sư dân sự, luật sư hôn nhân gia đìnhhttp://luatsupro.com

Nhà báo dự tòa chỉ cần một trong hai giấy

Số lần xem: 9,766 Ngày đăng: 23/12/2014 11:06:00

Dự thảo pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vì còn nhiều điểm chưa ổn... Dự kiến sáng 22-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)sẽ thông qua dự thảo pháp lệnh này. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu các cơ quan liên quan "tiếp tục phối hợp chuẩn bị thêm, nếu tốt thì phiên sau, phiên sau nữa ta thông qua".

Kiểm soát nhà báo để tránh “lộn xộn”?

Một trong những nội dung được UBTVQH rất quan tâm là dự thảo pháp lệnh quy định nhà báo bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1 triệu đồng nếu có các hành vi sau: Không thực hiện yêu cầu của tòa về việc xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác khi tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa; không chấp hành đúng hướng dẫn của thư ký phiên tòa hoặc lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa về khu vực tác nghiệp; không chấp hành sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa dù đã được nhắc nhở. Cạnh đó, tùy từng vi phạm cụ thể mà người vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp ngăn chặn như buộc rời khỏi phòng xử án, tạm giữ người, áp giải người vi phạm, khám người, khám đồ vật…

Nhà báo dự và tác nghiệp tại phiên tòa sẽ chỉ cần một trong hai loại giấy là thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu? Ảnh minh họa: T.TÙNG

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình lý giải: Nhà báo đến phiên tòa không phải để tác nghiệp thì giống như người dân bình thường, còn nếu đến tác nghiệp thì phải tuân theo nội quy phiên tòa. Theo ông Bình, khi xây dựng nội quy phiên tòa trước đây, ngành tòa án có mời cả đại diện Hội Nhà báo, các ngành công an, kiểm sát… tham gia. Việc yêu cầu nhà báo đến tòa tác nghiệp phải vừa có thẻ nhà báo vừa có giấy giới thiệu của cơ quan do chính Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu. Quan điểm này cũng được sự đồng tình của hai ngành công an, kiểm sát.

Ông Bình cho rằng quy định như trên là cần thiết. “Nhiều nước, nhà báo tham dự phiên tòa không được mang bất cứ công cụ, phương tiện nào vào, chỉ vẽ lại tranh của đương sự hay bị cáo rồi đăng thôi” - ông Bình nói.

Ông Bình cũng nêu thực tế là nhiều phiên tòa của ta rất lộn xộn, có những nhà báo đến tòa khi không được phân công và không phải tác nghiệp cho cơ quan. “Chúng tôi đã quy định báo nào, đài nào là chính thống. Còn những báo khác, chúng tôi tổ chức một phòng để họ tác nghiệp” - ông Bình nói thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện giải thích thêm về quy định xử phạt báo chí. Theo đó, trong trường hợp quy định nhà báo không được vào vẫn cố vào, mời ra nhưng không ra, gây cãi lộn thì lúc đó mới xử phạt.

Không cần xuất trình một lúc hai giấy

Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã không đồng thuận với quy định buộc nhà báo dự tòa phải cùng lúc nộp cả thẻ nhà báo lẫn giấy giới thiệu.

Ông đặt một loạt câu hỏi: “Khi tham dự đưa tin về diễn biến phiên tòa, có nhất thiết quy định nhà báo phải có thẻ mới được vào không? Có thẻ là nghiễm nhiên được vào vì chỉ cần xuất trình? Thẻ nhà báo to hơn giấy giới thiệu, tại sao còn hỏi giấy giới thiệu? Có phải thủ tục hành chính phiền hà, không rõ ràng không? Đây chỉ là lúc ra vào thì đã phải hành vi cản trở phiên tòa chưa? Ông thẩm phán đang làm, tôi vào như mọi người thì có gì mà cản trở? Hiến pháp đã quy định rõ nguyên tắc tòa án xét xử công khai, vậy nhà báo có được vào dự không? Dân chúng có được vào không? Phạt vì chuyện không xuất trình thẻ hay sao? Hai bên cãi nhau à? Quy định như thế tòa sẽ khó xử phạt vì vi phạm nguyên tắc xét xử công khai”.

Chủ tịch QH nhận xét thẳng thắn: “Quy định thêm giấy giới thiệu làm gì, cứ giấy to đẻ ra giấy nhỏ, giấy nhỏ đẻ ra giấy con. Nội quy này tôi thấy không nên đưa vào pháp lệnh”. Ông cũng cho rằng tòa xét xử công khai, tuy nhiên do điều kiện phiên tòa thì chỉ bố trí được một số chỗ ngồi hữu hạn nên pháp lệnh phải giải quyết thỏa đáng việc này.

Chủ tịch QH cũng băn khoăn về quy định người vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp ngăn chặn như buộc rời khỏi phòng xử án, tạm giữ, khám người, khám đồ vật… “Tôi chưa hiểu chỗ này, quy trình, thủ tục để thực hiện như thế nào vì khác nhau lắm. Tạm giữ thì giữ ở đâu? Giữ mấy ngày? Lực lượng nào tạm giữ, áp giải? Tạm giữ tang vật có kiểm kê không? Cất ở đâu, có trả không? Khám người kiểu gì? Viết như thế này đơn giản quá. Tôi cảm thấy sự chuẩn bị còn lơ mơ lắm!”.

Chủ tịch QH cho rằng đáng lẽ cơ quan thẩm tra phải đóng góp vào dự thảo trước khi đưa ra UBTVQH bàn. “Thế nào là cản trở, hành vi gì thì cản trở? Phải làm thế nào để minh bạch, rõ ràng với người dân”.

Vấn đề là chất lượng

Chúng tôi cũng không nói là không thông qua pháp lệnh, vấn đề là chất lượng. Giờ đến đây rồi, các đồng chí cần tiếp tục phối hợp chuẩn bị thêm. Nếu tốt thì phiên sau, phiên sau nữa ta sẽ thông qua.

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN SINH HÙNG

Mong QH thông qua
Tôi tha thiết đề nghị UBTVQH cho ban hành pháp lệnh. Bởi nếu không thì không biết bao giờ mới có một quy định đầy đủ của pháp luật về xử phạt hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án.

Chánh án TAND Tối cao TRƯƠNG HÒA BÌNH

ĐỨC MINH

(Theo plo.vn)